Chứng chỉ tiếng Đức được chia làm 6 cấp bậc theo khung ngôn ngữ Châu Âu (A1, A2, B1, B2, C1 & C2). Tùy theo mục đích của mỗi người mà sẽ chọn trình độ phù hợp, như đối với chương trình Du học nghề Đức bạn cần đạt tối thiểu trình độ B1. Để đạt được bất kỳ trình độ nào thì bạn cũng cần phải có kế hoạch và phương pháp học phù hợp. Hôm nay SHB sẽ chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Đức từ A đến Z, hy vọng sẽ mang lại những thông tin bổ ích cho các bạn.
A1 là trình độ khởi đầu với những kiến thức quan trọng và được sử dụng thường xuyên nhất, cả phát âm, từ vựng lẫn văn phạm.
Vì đây là học tiếng đức cho người mới bắt đầu, trong thời gian đầu này bạn nên tập trung học theo sách, và không nên nghĩ tới học vượt cấp. Có thể trong lúc học bạn gặp phải cấu trúc phức tạp, bạn có thể ghi chú lại nó trong một quyển vở mà khoan tìm hiểu, phân tích để học ngay nó. Bạn nên học ngữ pháp cơ bản trong sách đưa ra trước. Còn chủ điểm ngữ pháp cao hơn, bạn có thể lưu ý lại, sau này học lên trình độ cao hơn bạn sẽ gặp lại nó.
Lưu ý các danh từ trong tiếng Đức đều phải viết hoa và có giống của từ đi kèm. Bạn nên học từ mới đi kèm theo giống Der Die Das và số nhiều nhé. Vì nếu không biết giống của từ thì mình sẽ không thể nào áp dụng sử dụng ngữ pháp đúng được.
Và hãy cố gắng học thuộc và bắt chước những câu nói của người Đức như những đứa trẻ. Đây là cách học hiệu quả nhất trong các khoá học cơ bản đầu tiên. Đừng sợ sai hãy cứ nói và bắt chước theo giáo viên. Một khi bạn đã vượt qua được sự ngại ngùng của bản thân thì bạn đã bước đầu thành công trong việc học tiếng Đức rồi đó.
Trình độ A1 thật sự không khó chỉ xoay quanh những chủ đề cơ bản hằng ngày nhưng có nhiều điều mới mẻ nếu bạn so sánh với việc học tiếng Anh, đặc biệt là phần ngữ pháp. Hãy cố gắng chăm chỉ học và ôn tập đều đặn. Nếu bạn học vững kiến thức từ đầu thì lên A2, B1 bạn sẽ dần quen với tiếng Đức và cảm thấy đây là một ngôn ngữ thú vị đấy!
A2
Khi đến trình độ A2, bạn đã có một vốn từ vựng nhất định. Bạn có thể tìm các video về học tiếng Đức online trên Youtube, DW hay một số trang web khác. Hoặc bạn có thể lựa chọn các video ngắn và liên quan đến chủ đề hàng ngày để làm quen trước và đẩy dần độ khó lên từ từ. Việc đọc lại Transkript (phần dịch) đi kèm cũng là cách học nghe vượt cấp hiệu quả và tiết kiệm thời gian.
A2 chiếm hơn 50% ngữ pháp tiếng Đức cơ bản. Hầu như, ngữ pháp tiếng Đức đều tập trung ở A2. Nếu bạn nắm chắc phần này, thì sang B1 bạn sẽ học nhẹ hơn nhiều. Bạn nên chia nhỏ mỗi ngày học 1 phần ngữ pháp để hiểu sâu hơn, mà không nên nóng vội đốt cháy giai đoạn khi chưa hiểu kỹ nó. Bài tập ngữ pháp chuyên sâu có rất nhiều ở cuốn Grammatik Aktiv. Các bạn có thể mua và luyện tập thêm ở nhà vì sách có kèm phần đáp án phía cuối.
Để ghi nhớ và phân biệt ngữ cảnh đúng, bạn nên học từ vựng theo chủ đề. Khi học hãy tưởng tượng và đặt từ ngữ vào các hoàn cảnh thực tế phù hợp. Cách này sẽ giúp não bộ của bạn liên tưởng, gợi nhớ và liên kết dễ dàng với từ tiếng Đức mà mình cần ghi nhớ.
Việc tập luyện viết bài theo những chủ đề nhỏ sẽ giúp bạn ghi nhớ dễ dàng và quen tay hơn. Khi bạn viết đoạn văn, bạn sẽ thông qua đó ghi nhớ thật nhiều từ vựng hơn và cải thiện ngữ pháp. Hãy nhớ lưu lại tất cả bài viết để lên B1 hoặc luyện thi B1 có thể tự ôn tập lại, giảm bớt thời gian soạn bài đáng kể đấy.
B1
Trong khoá B1 bạn sẽ tập trung nâng cao thêm phần nói theo chủ đề.
Bạn nên tạo dựng cho mình một mẫu thuyết trình nêu lên ý kiến của bản thân hay miêu tả bức tranh. Việc bạn tạo dựng các câu hội thoại giao tiếp cho bản thân sẽ giúp bạn dễ dàng ứng dụng vào thực tế nhanh hơn. Các chủ đề nói nên chuẩn bị trước dưới dạng bài viết hoặc liệt kê từ chính ra giấy. Sau đó nhờ giáo viên sửa và các bạn tự tập luyện lại tại nhà. Việc học tiếng đức bằng cách quay video đoạn nói chuyện của các bạn cũng là một phương pháp bổ ích giúp bạn tự tin cải thiện khả năng nói của mình đáng kể đấy!
Học nói một mình mãi cũng chán và không có ai sửa lỗi. Bạn có thể tìm kiếm bạn học cùng online hoặc trực tiếp. Các bạn có thể trao đổi về cách học tiếng Đức, cũng như giao tiếp bằng tiếng Đức cải thiện khả năng nói của bản thân. Bạn có thể kết hợp song song học và ôn thi B1 bằng cách giải đề, luyện nghe, luyện nói theo chủ đề thi với bạn học cùng nhóm.
Ngữ pháp ở khoá B1 rất quan trọng, chiếm toàn bộ kiến thức nền tảng chính trong hệ thống tiếng Đức. Vì vậy các bạn nên vừa học vừa hệ thống lại kiến thức ngữ pháp riêng cho bản thân để sau này ôn tập đỡ mất thời gian hơn.
B2
Bạn nên tiếp tục hoàn thành bài tập luyện nghe theo giáo trình trung tâm. Việc này các bạn cần duy trì mỗi ngày để có phản xạ nghe nói tốt nhất theo thời gian. Thói quen nghe tiếng Đức mỗi ngày sẽ giúp bạn phát âm chuẩn ngay từ đầu, sau này không phải mất thời gian chỉnh sửa lại.
Khi đã phát âm đúng rồi bạn sẽ dễ dàng nhận ra được các từ trong bài nghe để có thể trả lời câu hỏi chính xác nhất. Từ cấp độ B2 mọi người có thể luyện nghe ngoài từ khoá ra còn nên luyện nghe radio các tin tức của Đức hoặc xem phim có phụ đề Đức. Bạn cố gắng vừa nghe vừa nhẩm theo lại y như lời thoại trong phim hoặc bài hát sẽ giúp các bạn ngày một tự tin hơn trong việc diễn đạt ý của mình khi giao tiếp hoặc làm bài thuyết trình tại lớp.
Ở trình độ B2 bạn phải tập làm quen với thói quen đọc sách, truyện, bài báo bằng tiếng Đức để tăng vốn từ vựng phong phú của bản thân và văn phong Đức. Việc này cũng hỗ trợ cho bạn sau này rất nhiều khi đọc các tài liệu bằng tiếng Đức ở trường hoặc nghiên cứu.
Ngoài ra bạn nên hoàn thành bài tập luyện ngữ pháp bổ trợ cho bài giảng trên lớp.
Cấu trúc câu ở khoá học tiếng Đức B2 là sự mở rộng từ cấu trúc cơ bản ở khoá B1, và thường được dùng trong văn phong viết nhiều hơn nói. Vì vậy các bạn nên vừa học vừa hệ thống lại và bổ sung tiếp kiến thức ngữ pháp hay nhé!
Đây là một số chia sẻ cá nhân về kinh nghiệm học tiếng Đức, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các phương pháp học khác phù hợp hơn với bản thân. Việc tập trung học tiếng Đức sẽ mang đến hiệu quả tốt cho bạn hãy kiên trì và cố gắng hoàn thành mục tiêu của bản thân nhé!